23.6.11

Chè trôi nước và Tết Đoàn Viên

Hôm trước là 22/6, bắc bán cầu đang là mùa hè nên là Hạ Chí nhưng nam bán cầu đang là mùa đông giá rét nên có thể xem là đông chí, cả trang Google của Úc cũng đã đổi hình mùa đông với chú thích: ngày đầu đông.

Thế là làm chè trôi nước thôi, còn vì sao thì xin kể sau nhé.

Nguyên liệu: tùy nhiều hay ít và viên trôi nước lớn hay nhỏ mà mọi người tự canh bột nhé.

- Bột nếp (chính)
- Bột gạo (optional)
- Đậu xanh cà
- Đường thẻ
- Gừng
- Đường cát
- Nước nóng

Cách làm:

Lưu ý là đây là chè trôi nước ngọt hoàn toàn (có thể xem là bánh trôi người Bắc).

Đậu xanh cà ngâm nước cho mềm, nấu chín rồi tán nhuyễn. Có thể dùng máy xay thức ăn để xay.

Nếu bạn muốn pha với bột gạo thì tỉ lệ là 4 phần bột nếp và 1 phần bột gạo. Dùng bột nếp không thì viên trôi nước dẻo hơn.

Nước đun sôi và bắt đầu trộn đều với bột. Cho nước từ từ vào và nhồi cho đến khi bột "đứng", nghĩa là đủ mềm để nặn mà không quá nhão như hồ. Nếu bạn lỡ tay cho nhiều nước quá thì chỉ còn cách thêm bột cho đến khi bột đông lại.

Nhào bột thật kĩ và để bột nghỉ 15 phút.

Đậu xanh sau khi cà thì cho thêm chút đường rồi trộn lại (vì đây là chè trôi nước ngọt), sau đó vò thành viên nhỏ.

Đường thẻ cắt thành thỏi nhỏ bằng viên đường uống trà.

Bột đã nghỉ rồi đem cắt thành những viên nhỏ, vò lại, sau đó dùng chày cán bột cán ra thành hình tròn, cho nhân vào giữa (đậu xanh hoặc đường thẻ), túm lại và vò thành viên tròn.

Nấu nồi nước sôi, đợi khi nước thật sôi thì cho viên chè vào, đợi đến khi viên chè nổi lên mặt thì là chín.

Trong 1 nồi khác nấu nước đường thẻ và vài lát gừng. Khi viên chè chín thì cho vào nồi nước nóng này (nóng chứ không sôi nhé). Bạn cũng có thể nấu chè trong nồi nước đường gừng này cũng được. Vì đây là tùy khẩu vị mỗi người nên mình không ghi liều lượng.

Chè trôi nước khi ăn rắc chút mè lên mặt và nước cốt dừa (nếu ai thích nước cốt dừa).



 ...

Tản mạn Tết đoàn viên và món chè trôi nước

Thế là nói lại thời gian Bắc bán cầu nhé. Hàng năm đến ngày 21 hoặc 22/12 người ta gọi là tiết Đông chí, nghĩa là vào mùa đông. Ngày này còn gọi là Tết đoàn viên, có xuất xứ từ Trung Hoa và ảnh hưởng sang Việt Nam rất nhiều. Có lẽ vì thời gian này trời đông lạnh lẽo, mọi người đều về nhà quây quần để chuẩn bị đón Tết nên gọi là ngày đoàn viên. Truyền thống từ xưa, ngày này thường làm món chè trôi nước.

Chè trôi nước ban đầu nhân ngọt, có ý nghĩa gia đình luôn ngọt ngào đầm ấm. Viên chè tròn trĩnh nổi trên mặt chén nước đường gừng ấm nóng nên tiếng Hoa gọi là thang viên (nghĩa là viên tròn trôi trên mặt nước) -汤圆 bính âm là /tangyuan/, đồng âm với từ đoàn viên 团圆. Ngoài ra chè trôi nước cũng xuất hiện vào những ngày rằm, lễ Tết cúng tổ tiên

Chè trôi nước ở Trung Quốc có cả mặn lẫn ngọt, nhân ngọt thì nhiều vô xố kể, nhân đậu, nhân mè, nhân đường,... Khi vào đến Việt Nam thì phân ra, ở miền Bắc gọi là bánh trôi, nhân đường thẻ ngọt, ăn với nước đường gừng nóng ấm. Ở miền Nam thì nước vẫn là đường gừng nhưng nhân là đậu xanh mặn, nghĩa là đậu xanh đem xào với hành, muối, bên cạnh viên trôi nước to là những viên bột be bé, ăn kèm nước cốt dùa, và có lẽ vì khí hậu miền Nam ấm áp quanh năm nên chè trôi nước cũng ăn nguội, và còn bỏ vào tủ lạnh cho lạnh rồi mới ăn nữa. Ngoài ra còn 1 loại chè nữa, không nhân, nước ngọt, gọi là chè ỉ, chỉ bao gồm những viên bột tròn nhỏ không nhân.

Nhưng nói 1 cách công bằng nhất, chè trôi nước phải ăn vào ngày đông lạnh lẽo. Viên chè nắn nhỏ vừa phải, nhân ngọt, lại thêm nước súp gừng âm ấm, uống thêm chén trà ấm nóng, miệng thổi phù phù mới cảm được hết cái vị ngon của món chè trôi nước.

No comments:

Post a Comment

.