29.8.11

Mẹo vặt nấu ăn

Đã mấy tuần rồi không viết blog nữa. Vì dạo này mình bận rộn quá, công việc, học tập chiếm hết thời gian làm bếp và viết blog của mình. Dạo này cũng không làm món gì đặc biệt để chia sẻ với mọi người, định làm chả lụa nhưng lại mất nhiều thời gian quá, muốn làm bánh tiêu lại không có nhiều thời gian ở nhà để chờ bột nổi rồi cán bột chiên bánh, thèm ăn lỗ tai heo ngâm giấm cũng không có cơ hội đi chợ mua lỗ tai heo. Vậy thôi không để blog bám bụi thì chia sẻ những kinh nghiệm linh tinh quanh bếp với mọi người vậy :D

Trong nhiều năm nấu ăn từ lúc còn nấu ăn gia đình (mình bắt đầu biết nấu ăn từ những năm 8-9 tuổi) cho đến khi nấu ăn kiểu đầu bếp nhà hàng như hiện nay, mình đã biết nhiều mẹo vặt rất đơn giản nhưng rất nhiều người nấu ăn không biết, nhất là những người mới bắt đầu vào bếp (ngày xưa mình cũng bị) không biết nên món ăn ra không được như ý. 

Luộc rau cải cho xanh:

Nhiều người luộc rau cải khi luộc xong màu bị xỉn đi nhìn rất xấu. Mẹo là trong nước luộc cho vào chừng 1 muỗng canh muối. Muối sẽ giúp rau cải lúc luộc giữ được màu tươi xanh và cũng giúp cho vị của rau cải thêm đậm đà. Nếu luộc rau cải không ăn ngay mà muốn giữ vài tiếng hay thậm chí 1-2 ngày trước khi ăn thì khi cho rau cải vào nồi xong, bạn hãy chuẩn bị 1 thau to nước lạnh với cả nước đá. Sau khi luộc xong thì lập tức cho rau vào thau nước đá lạnh. Nếu không có nước đá để cho nước thật lạnh thì có thể cho rau cải vào rổ và xả ngay dưới vòi nước lạnh. Làm như vậy thì rau cải sẽ lạnh ngay, không còn tiếp tục "tự nấu" do vẫn còn nhiệt nữa. Lúc này chỉ cần cho vào tủ lạnh. Lúc nào ăn thì trụng nhanh 30 giấy -1 phút trong nước sôi là xong.

Luộc trứng không bị nứt:

1 chút muối trong nồi nước luộc trứng là bí quyết.

Hâm đồ trong lò viba - microwave:

Hâm đồ trong microwave tuyệt đối không đậy nắp vì nguyên tắc là thức ăn nóng từ bên trong nên nó sẽ làm bung nắp hoặc có thể là nổ cả lò. Bởi lý do đó nên nhiều người không đậy nắp (khá là nhiều ở VN) và kết quả là microwave dơ cực kỳ sau khi nấu vì đồ ăn bắn lung tung. Vậy là kết quả kế tiếp là dùng cling film (tấm nylon bọc đồ ăn) bao lại đồ ăn khi dùng microwave. Hệ lụy kế tiếp là khi đồ ăn nóng quá, cling film phồng to lên hoặc bị ép vào đồ ăn (do nóng quá, món ăn hút không khí nên cling film bị dính vào) và nhiều người thấy khó khăn với việc này. Vậy cách cuối cùng là khi bao thức ăn bằng cling film, bạn chừa 1 khe nhỏ để hơi nước bốc ra ngoài. Hoặc khi bọc lại, bạn dùng tăm tre đăm vài 3 lỗ nhỏ trên mặt cling film cũng là để cho hơi nước bốc ra ngoài. Dùng cách này thức ăn không bị bắn ra ngoài (hoặc có thì chỉ có vài giọt) mà cling film không bị phồng hay rút vào thức ăn.

Nước mắm ngon:

Kể cả trong nước lẫn nước ngoài thì nước mắm đều chia ra 2 loại: nước mắm ngon (nước mắm nhĩ) và nước mắm mặn (loại thường). Nước mắm nhĩ là đợt nước mắm ra đầu tiên sau khi ướp và ủ cá cơm, nó có mùi vị rất thơm, ngon, đậm đà. Nước mắm mặn bình thường thì mặn là mặn muối, không có vị đậm đà như nước mắm nhĩ. Nếu so sánh với olive oil thì nước mắm nhĩ là extra virgin olive oil và nước mắm thường là virgin olive oil. Hay nói cách khác, khi nấu ăn thì nước mắm thường, khi chấm hay dùng trộn gỏi là nước mắm nhĩ. 

Nếu các bạn ở nước ngoài như mình, mình biết ở Mỹ cũng giống bên Úc nhưng không biết các nước khác thế nào, nếu bạn muốn mua nước mắm mặn thì mua loại nước mắm "con mực", còn nước mắm ngon, mắm nhĩ là nước mắm "ba cua" (hình 3 con cua) hay "con cua". Dạo sau này có nước mắm Salmon của Chinsu mà mình rất thích sử dụng vì mùi rất thơm và đậm đà, thích hợp với chấm món ăn.

Khử mùi hôi miệng khi ăn tỏi:

Bí quyết học từ cô bạn người Mỹ: nhai 1 chút parsley - mùi tây/ ngò tây sẽ giúp khử đi mùi tỏi.

Đồ biển đông lạnh:

Ở Việt Nam thì ít khi mua đồ biển đông lạnh nhưng ở nước ngoài thì đồ biển lại đa phần đông lạnh, nhất là với các loại ốc. Tuy nhiên khi làm các món ốc hay ướp cá bị tanh ở Việt Nam vẫn dùng cách này được. Bí quyết là rượu. Bất kỳ loại rượu gì bạn có trong nhà nhưng cơ bản là rượu trắng, rượu gạo. Dùng rượu ngâm có thể tẩy mùi tanh của đồ biển đong lạnh và giúp ốc nhả nhớt ra, cũng như tăng thêm mùi thơm khi nấu ăn. Bạn cũng đừng lo khi dùng rượu trong nấu ăn. Trừ khi dùng rượu để trộn với các loại sốt, dung dịch và ăn ngay, nếu dùng rượu để ướp thức ăn hay cho rượu vào khi nấu, cồn sẽ bay đi hết và chỉ để lại mùi thơm thoang thoảng. 

Giữ cho thức ăn ngâm giấm hay mứt được lâu:

Các món như tai heo ngâm giấm, chanh muối hay các loại mứt đựng trong keo - hủ/lọ thủy tinh (jar) nếu không khử trùng keo trước khi làm thì món ăn không giữ được lâu. Cách khử trùng là luộc keo với cả nắp trong nước sôi. Sau đó nếu bạn có oven thì cho tất cả vào oven (miệng keo hướng lên trên) ở lửa chừng 150-180 độ C, hoặc dùng máy sấy sấy khô. Và khi muốn cầm keo phải dùng bao tay, không được đụng vào bằng tay vì như thế sẽ lại làm nhiễm trùng keo như cũ. Lúc keo còn nóng (hơi nguội thôi) cho các món ngâm chua hay mứt vào sau đó đây nắp lại và cho vào tủ lạnh. Khử trùng như vậy giúp món ăn giữ lâu hơn, không bị mốc xanh mốc trắng.

Nấu ăn với bơ:

Bơ rất mau cháy nên nhiều bạn mới học nấu ăn, muốn nấu ăn với bơ thì chỉ cho bơ vào chảo thì chỉ 1 phút sau là bơ sẽ cháy ngay. Bởi vậy khi nấu ăn với bơ, trước khi cho bơ vào chảo thì cho vào 1 ít dầu olive hoặc dầu ăn bình thường cũng được rồi mới cho bơ vào.

Vắt chanh:

Vắt chanh sao cho ra hết nước? Cách là lăn chanh trên bàn với tay ấn mạnh vào thì khi vắt chanh sẽ ra nhiều nước. Cách thứ 2 khá là đơn giản nhưng có thể áp dụng cho chanh ở ngoài lẫn trong tủ lạnh là cho vào microwave chừng 2-30 giây, có thể lâu hơn 1 chút nếu chanh trong tủ lạnh bị cứng. 

Hôm nay chỉ chia sẻ vài kinh nghiệm be bé khi nấu ăn với mọi người thế thôi. Hẹn 1 ngày đẹp trời khác khi mình có thể nấu thêm 1 món ăn mới để chia sẻ cùng mọi người.


1 comment:

  1. Cùng xem thêm các công thức món ngon và các mẹo vặt nấu ăn hiện nay mà chúng tôi cung cấp cho bạn tại đây

    ReplyDelete

.