29.6.11

Bút ký người Việt hải ngoại 1

Tôi là người Sài Gòn.

Tấm hình tôi chụp 4 năm về trước về một vài góc nhỏ nhiều kỉ niệm ở Sài Gòn

Tôi là người Sài Gòn. Tôi tự hào khi nói điều đó. Tôi đã sinh ra và sống trên mảnh đất đó suốt hơn 20 năm cuộc đời của mình. Tôi biết thành phố đó như tôi biết mình là người Việt Nam. Sài Gòn bây giờ đã đổi khác quá...

Tôi có lẽ là một trong những thế hệ cuối cùng được nhìn thấy hình ảnh Sài Gòn tươi đẹp và thanh bình trước khi nó biến thành 1 đô thị quá hiện đại đến nỗi khói bụi công nghiệp đã che lấp những đóa hoa, và tiếng xe máy, tiếng kèn inh ỏi đã át đi tiếng rao đặc trưng của Sài Gòn. Những mở cửa đất nước từ đầu những năm 90 đã giúp cho Sài Gòn tiến nhanh vượt bật nhưng cùng với việc đô thị và công nghiệp hóa chính là sự tàn phá khủng khiếp vẻ đẹp thanh lịch và kiêu kỳ của Hòn Ngọc Viên Đông, của Paris Phương Đông. Tất cả đã qua rồi thời xa xưa thanh bình đó.

Những ký ức đầu tiên của tôi về Sài Gòn là chợ hoa ngày Tết. Và rồi sau nữa là những đèn lồng giấy đỏ lung linh mùa Trung Thu. Nhưng có lẽ những gì tôi nhớ nhất là tiếng rao đêm. Căn nhà nơi tôi sinh ra trong 1 con chợ nhỏ của khu lao động nhập cư có tiếng "giang hồ". Mỗi đêm khi ngủ, tôi đều nghe những tiếng rao đêm. Với tôi, đó có lẽ là những lời ru cho những cảm xúc đầu đời của tôi. Đã nhiều năm qua đi từ cái thời tôi chỉ là 1 đứa nhóc, tôi đã không còn (hay là rất ít khi) nghe lại những tiếng rao đêm đó. 

Có khi nào bạn tự hỏi tại sao người ta lại cứ gọi là Sài Gòn mà không gọi là Tp HCM khi mà danh xưng Sài Gòn đã bị khai tử khỏi bản đồ thế giới từ hơn 30 năm qua? Tôi đã tự hỏi mình như thế. Tại sao những người Việt ở trên đất Việt Nam lẫn hải ngoại đều gọi thành phố ấy là Sài Gòn? Tại sao văn thơ ca nhạc đều dùng mỹ từ Sài Gòn? Vì thói quen chăng? Hay cũng có lẽ vì 2 tiếng Sài Gòn đã khắc sâu vào tâm khảm của người Việt Nam chúng ta, mà dù đã trải qua mấy mươi năm, và bao thế hệ con cháu chắt ra đời, Sài Gòn vẫn cứ mãi là Sài Gòn. Và bạn hãy làm theo lời tôi, hãy lên bất kỳ trang mạng nào của các hãng hàng không trên thế giới, ngay cả của Vietnamairline, hãy tìm mã chữ của sân bay Tân Sơn Nhất - Tp. HCM, bạn sẽ nhận được 3 mẫu tự in hoa: SGN - viết tắt cả Sài Gòn. Và như thế, cái tên Sài Gòn, cứ bay mãi từ thành phố hơn 300 năm tuổi ra khắp nơi trên thế giới. 

Và cũng bởi vì thế, tôi cũng sẽ gọi mình ngoài từ Vietnamese trong tiếng Anh bằng từ Saigonese - người Sài Gòn.

....

Bánh mì Việt trên đất Úc

Nếu người Hoa tự hào họ có món mì và người Việt ta tự hào có phở thì bánh mì sẽ là 1 điểm cộng cho sự đa dạng văn hóa ẩm thực của người Việt ta. 

Từ thế kỷ trước, người Pháp mang bánh mỳ đến Việt Nam, và đến bây giờ, bánh mì đã trở thành một trong những thứ không thể thiếu trong ẩm thực Việt. Bạn thử nghĩ sẽ thế nào nếu món trứng ốp la không có ổ bánh mì nóng giòn? Sẽ thế nào nếu món cà ri hay bò kho thiếu đi những khoanh bánh mì? Có 1 lần, tôi nói chuyện với thầy tôi, một người Do Thái già thông thái, ông đã nói rằng: "Việt Nam hơn những đất nước châu Á khác vì họ có bánh mì. Người Việt ra hải ngoại giàu là nhờ những tiệm bánh mì. Khi họ đến xứ Úc, họ không có gì, và họ muốn có tiền nhanh chóng để tạo dựng cuộc sống mới trên đất khách, thế là họ đã làm bánh mì."

Tôi nhớ lắm những xe bánh mì đẩy ở Việt Nam, chiếc xe chỉ vỏn vẹn dài độ 1 thước, ngang tầm nửa thước hay cỡ đó với mặt kiếng, với những ổ bánh mì, với cái thớt gỗ tròn nhỏ, với những miếng thịt đỏ au, những cọng ngò xanh xanh, những viên thịt heo, những hộp cá mòi "Ba Cô Gái". Lúc tôi 7 tuổi, ổ bánh mì nhỏ chỉ có 700 đồng, ổ lớn 1000 đồng, và bây giờ giá cả đã gấp đôi gấp ba.

Nhưng nếu đã nói đến bánh mì Sài Gòn, chắc có lẽ không ai không biết bánh mì Như Lan trên đường Hàm Nghi. Bánh mì Như Lan đã có tiếng ở đất Sài Gòn bấy nhiên năm thì trên xứ sở chuột túi này, bánh mì Như Lan cũng có chỗ đứng đặc biệt trong lòng người Việt xa xứ.

Nếu đã là người Việt ở Melbourne chắc không ai không biết đến bánh mì Như Lan. Ổ bánh mì Như Lan giòn rụm, kẹp thịt, kẹp chả, thêm chút rau chút ngò, cuối cùng đã đi vào lòng người Việt xa xứ, từ cái tên đến cái vị, như một nỗi nhớ niềm thương gửi về Sài Gòn năm nao.


Một trong hệ thống tiệm bánh mì Như Lan ở Footscray - Melbourne

Footscray - chợ Việt Nam

Ở Melbourne có 3 chợ Việt lớn và cũng là 3 khu người Việt có tiếng là Springvale, Footscray và North Richmon. Trong cả 3 thì Footscray là chỗ tôi hay lui tới nhất.

Đến Footscray, điều đầu tiên bạn nhận ra là tiếng Việt. Tất nhiên là không chỉ có mỗi tiếng Việt, mà còn có tiếng Anh (dĩ nhiên), tiếng Quảng, tiếng Tiều, tiếng Phổ Thông. Bản thân tôi tuy sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng quê tôi là khu vực người Tiều, nên cả từ ngữ âm thanh cũng lẫn những tiếng của người Tiều như "chế", như "xẩm", như "hia". Bởi đôi khi nghe những tiếng đó lại cảm thấy vui vui như nhớ về 1 phần quá khứ dĩ vãng.

Những bảng hiệu ở đây cũng được viết bằng tiếng Việt, kế bên có tiếng Anh và còn có tiếng Hoa nữa.

Những dãy tiệm của người Việt với bảng tiếng hiệu tiếng Việt - Anh - Hoa
 
Cả từ ngữ họ dùng cũng là từ ngữ của người Việt khi xưa mà có lẽ giới trẻ bây giờ không mấy ai biết, thậm chí nhiều người cảm thấy "quê mùa" nhưng với người Việt thương nhớ quá khứ như tôi hay với những người Việt xa xứ, những câu chữ giản dị lại có sức hút mãnh liệt. Đôi khi chỉ là những từ bình thường nhưng đã thay đổi và khác biệt giữa người Việt trong nước và hải ngoại như "di trú", "di dân" giờ gọi là "di cư"; hay như những địa danh tên nước ngoài, họ cũng biết tên tiếng Anh là "Philippines" nhưng người ta vẫn gọi là "Phi Luật Tân". Nhưng dù là tiếng gì, ở đâu đi nữa, vẫn là tiếng Việt Nam, vẫn là tiếng dân tộc, là nét đẹp của người Việt Nam. Nên đôi khi nhớ tiếng Việt, tôi lại mò về những khu chợ Việt Nam, không phải để mua đồ, không phải để ăn uống, mà chỉ là để nghe lại tiếng Việt qua những lời nói, tiếng rao giữa phố chợ đông người.

"Muốn qua Úc du học rồi được ở lại luôn?"

2 comments:

  1. That su ma noi. Sai Gon luon la niem tu hao cua Vn chung ta..

    ReplyDelete
  2. sài gòn đẹp lắm sg ơi sg ơi.... giờ nhìn toàn lô cốt @@

    ReplyDelete

.